<bgsound src="/Nhac Ly Ruou Mung.mp3"/> Le Dinh















Tác giả: LÊ VĂN PHÚC














































Theo lịch bên Tầu, người ta chia ra 12 con giáp, mỗi con tượng trưng một năm. Như: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Không hiểu các “sếnh sáng” dựa theo tiêu chuẩn nào để tuyển lựa các đại biểu này. Vì có nhiều con chả có đức tính gì, chả có uy danh hay thành tích gi mà lại được chọn trong danh sách. Thí dụ: Con chuột, con rắn, con gà… Trong khi các loài khác có thớ hơn thì lại bị chìm vào quên lãng, như: Con đại bàng, con bồ câu, con rùa, con hươu cao cổ…

Trong 12 con thì nặng ký nhất, quý nhất vẫn là con cọp.

Đó là loài to con, dũng mãnh, đứng đầu trong các loài thú trên trái đất này. Cọp thuộc họ nhà “Cat” - Mèo, nhưng là mèo bự con, mèo khổng lồ!

Theo lịch sách, ai tuổi cọp thì có đầu óc phóng khoáng, hành động mau lẹ, đồng thời cũng hay nghi ngờ, đôi khi hành động vội vã; giầu óc tưởng tượng, không dấu diếm tình cảm, lương thiện, bao dung, hài hước, yêu trẻ thơ và loài vật. Tuổi cọp trừ được ma qủy, hoả hoạn, trộm cướp (?)! Nhà có cọp là có vượng khí!?

Cọp có thể dài đến 3 thước, nặng 600 pounds tức khoảng 300 kí-lô, có vằn dọc đen, vàng, đỏ, hung, trắng. Nổi tiếng là cọp Bengal, Siberia. Lại có con toàn trắng hay toàn vàng. Vùng lãnh thổ quản trị của cọp thường là 20 dặm vuông.

Cọp hay săn mồi ban đêm, chạy nhanh cỡ 50-60 cây số 1 giờ. Khi bắt mồi, cọp cắn vào cổ cho đến khi con mồi hết cụ cựa. Không hiểu cọp học chiêu thức thượng thừa này ở đâu nhưng phải công nhận đó là một độc chiêu.

Cọp có thể đớp cả con báo, con trăn và cá sấu. Bắt cá sấu thì cọp dùng móng cào vào mắt cá sấu cho mù rồi mới tha đi. Cọp hay thiệt đó nha!

Cọp cũng đớp cả thịt người nếu người lạng quạng lọt vào cấm địa của vương quốc cọp!

Cọp giao du thân mật giữa tháng 11 và tháng 4, có 3-4 con do mẹ chúng nuôi. Đến khoảng 2 năm thì cọp con rời mẹ đi kiếm ăn riêng.

Trên thế giới, vùng nhiều cọp là bên Nga, Ấn Độ, Tây Tạng.

Người Trung Hoa nuôi cọp để làm thuốc, nhất là xương cọp, gọi là “Cao hổ cốt” rất có giá trị. Xương cọp nấu thành cao, đóng thành bánh, bổ xương, bổ cốt, bổ tì, bổ vị, bổ cả tứ chi, cái gì cũng bổ!

Còn xương nai, nấu lên thành “Cao ban long”, kém bổ hơn nhiều so với cao hổ cốt.

Da cọp rất quý, thường được đặt vào chỗ ngồi của thiên tử hay trang trí trong phòng khách của đại gia, vương tôn công tử!

Móng cọp cũng dùng làm bùa hộ mệnh, Người Cam Bốt thường đeo móng này, tin là tránh được nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trong thời chinh chiến.

Trên đây la nói đại cương, qua loa về cọp.

Bi giờ, chúng ta bàn về chi tiết xem loài cọp được xưng tụng đến đâu, được đánh giá ra làm sao, bị lợi dụng tên tuổi đến cỡ nào…

CỌP TRONG VĂN CHƯƠNG

Chúng ta, ai đã có thời đi học đều nhớ đến bài thơ “Nhớ rừng” trong tập “Mấy vần thơ” của Thế Lữ.

Chuyện kể rằng: Chả hiểu con cọp đi lạng quạng trong rừng ra làm sao mà lại để cho thợ săn gài bẫy tóm được, mang về bán cho sở thú.

Con cọp ở trong rừng uy nghi, hung vĩ, hiên ngang bao nhiêu thì khi bị nhốt trong cũi sắt, nó cũng đau đớn, ê chề, suy sụp bấy nhiêu.

Móng vuốt tuy còn mà chỉ như để chơi, sức mạnh tuy có mà không khác gì đồ bỏ. Cọp nằm trong chuồng cọp, bốn bề song thép bao che, chỉ để người lớn trẻ con đến coi cho biết chúa sơn lâm oai vệ, dễ sợ đến thế nào mà bi chừ nằm mèo trong lồng sắt lạnh!

Thế nên nhà thơ Thế Lữ mới mượn lời con cọp hết thời, nằm trong sở thú để nói lên tâm sự của người một thời oanh liệt, nay bị mất tự do, thành kẻ lỗi thời, thất thế…

Và đây là lời của nhà thơ nói thay con cọp trong sở thú. Xin trích một đoạn:

...Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca, giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Những câu thơ trên rất hợp với cái hùng khí của chúa sơn lâm, vời ý nghĩa rất mạnh, khó có lời nào dắc ý hơn được!

CỌP TRONG DÂN GIAN

Trong dân gian thì nhiều chuyện lắm. Hầu như con vật nào cũng bị lôi ra làm thịt, làm trò đùa, làm thí dụ để bới móc, chọc quê nhau. Cọp tuy ác liệt như thế đấy nhưng cũng không tránh khỏi bị bêu riếu!

Trẻ con đi học mà hay chép bài của bạn ngồi bên cạnh thì bị chê là đứa hay đi “cọp-pi”, nói chại từ tiếng Tây mà ra. Những đứa cọp-pi là những đứa không khá, chỉ dựa dẫm vào đứa ngồi bên cạnh để chép bài của bạn mà kiếm điểm thôi.

Cũng từ chữ “cọp”, thiên hạ bảo ai đi coi chiếu bóng, cải lương mà không mua vé, không trả tiền là “coi cọp”! Mấy tiếng “cọp” này không liên quan gì đến bổn thân con cọp cả!

Kẻ nào tầm thường mà đội lốt người sang, kẻ mạnh thì mới bị ví như “cáo đội lốt cọp” chứ thực lực chả có gì!

Trong Cổ Học Tinh Hoa có nhắc đến chuyện hồ mượn oai hổ để hù dọa thiên hạ:

Vua Tuyên Vương làm vua cả nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là bầy tôi. Thế mà người phương bắc ai nghe nói đến Chiêu Hề Tuất đều kinh sợ. Vua lấy làm lạ, hỏi quần thần, không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất thưa rằng:

Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con hồ. Hồ bảo: Liệu hồn! Chớ có động đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là trời sai xuống, cầm quyền cả bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta là trái với mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức. Không tin, thử để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà không sợ hãi, tìm đường trốn tránh không? Hổ cho là hồ nói thật, bèn theo hồ đi. Quả nhiên, bách thú trông thấy đều sợ hãi bỏ chạy.

Hổ vẫn không biết rằng bách thú đều sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ hồ.

Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao quyền thế cho Chiêu Hề Tuất. Người phương bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú sợ hổ vậy.

Tóm ý của chuyện này là: Những kẻ mượn quyền thế của người trên để hống hách, hù dọa người ta, thời nào cũng có.

Khi biết được sự gian xảo ấy thì ai cũng khinh bỉ, chán ghét!

Chuyện khác:

Đức Khổng Tử đi qua núi Thái Sơn, thấy người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe nức nở. Ngài sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng:” Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi chết vì hổ, chồng tôi chết vì hổ, bây giờ con tôi lại chết về hổ nữa. Thảm lắm ông ơi!”

Thầy Tử Cống hỏi:” Thế sao không bỏ chỗ này, đi chỗ khác?”

Người đàn bà đáp:”Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo như các nơi khác.”

Đức Khổng Tử nghe trình lại xong, nói:” Các ngươi nhớ đấy! Chính sách hà khắc còn khốc hại hơn là hổ dữ!”.

CỌP TRONG GÁNH XIẾC

Mỗi gánh xiếc đều có ít ra một, hai con cọp để góp sức mua vui cho khán già, chưa nói đến voi, ngựa, khỉ…

Các loài thú này là hoang thú nên phải có người dậy cho nó thuần thành, dễ bảo. Cọp là loài hung dữ, khó dậy nhất. Chủ nó thường có một cái roi sắt dài vung vẩy khi điều khiển cọp làm trò. Bình thường thì cọp ngoan ngoãn vâng lời, nhưng cũng có khi nó lên cơn, bất chấp roi sắt, lẹnh trên mà bất thần tấn công ngay ngưòi chủ nó trên sân khấu. Nếu chủ may mắn không tử thuơng thì cũng bị thương. Sinh nghề tử nghiệp là vậy!

Nói đến cọp trong gánh xiếc, nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ đến gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển, một thời lừng lẫy tại Việt Nam. Bởi đây là gánh xiếc duy nhất, lưu diễn khắp 3 miền Trung Nam Bắc. Không hiểu cụ Tạ có học nghề ở ngoại quốc hay không, chứ ở nước ta từ xưa đến nay, làm gì có trường dậy thú vật như hổ báo, voi, ngựa, khỉ để làm trò?

Nên cứ nghe đến tên gánh xiếc của cụ Tạ là ai cũng mến phục.

CỌP TRONG QUÂN ĐỘI

Dựa hơi cọp là mãnh thú, mãnh hổ có sức mạnh vô song nên trong quân đội cũng dùng hình ành, tên tuổi, hơi hướm của hổ để làm danh hiệu của đơn vị của mình.

Nhớ trước kia khi có chiến tranh tại Việt Nam, Đại Hàn góp sức với chúng ta, đưa binh đoàn Mãnh Hổ sang để tham chiến.

Chẳng cứ Đại Hàn mói có Mãnh Hổ mà nhiều đơn vị cùa ta, như Biệt Động Quân cũng lấy danh hiệu và huy hiệu mãnh hổ, tượng trưng cho đơn vị của mình. Và rõ ràng là Biệt Động Quân VNCH đã chiến đấu rất oai dũng, tạo nhiều chiến công hiển hách trên khắp chiến trường.

Đơn vị Cọp Biển cũng vang danh trong các chiến dịch, các cuộc hành quân vùng biển.



Cọp vang danh như thế cho nên hãng bia cũng lấy tên cọp và hình cọp để in lên chai bia, gọi là “Bia con cọp”.

Nói cho vui vậy thôi, chứ hầu hết các loại bia bán ngoài thị trường đều có độ rượu từ 4 đến 5 độ mà thôi. Coi như không nặng và không có gì là nguy hiểm. Nhưng nếu dân nhậu, nốc dăm chai bia thì nồng độ sẽ thay đổi, cao hơn. Và nếu người đó lái xe thì rất nguy hiểm cho bổn thân và cho người khác trên xa lộ.

Bên Anh, có loại bia hộp mầu tím với độ rượu là 11 độ. Dân ghiền, dân thất nghiệp thường uống loại bia này vì nó “phê” lắm! Uống loại bia này, có thể quên đời tục lụy trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ.

Nếu người Ăng Lê cũng đồng quan điểm mà nhận ra rằng Cọp là mãnh hổ số một thì chắc chắn họ sẽ đem hình ảnh con cọp vào hãng làm bia để sản xuất.

Cọp uy dũng như thế nhưng cũng không tránh khỏi bị xuống cấp, dè bỉu, chê bai một cách bần tiện.

Cọp vốn là loài thú vừa to vừa mạnh vừa hùng dũng nhưng đó là cọp ở trong rừng núi. Còn con cọp ở trong chuồng cọp trong sở thú thì yếu xìu. Đến con cọp được người ta lợi dụng, làm bằng giấy thì chỉ có cái hình dáng, cái tên thôi chứ chả có gì là sức mạnh vô song, vô địch của chúa sơn lâm!

Thế nên, là cọp giấy chỉ để cho con trẻ nó chơi chứ không có tác dụng gì khác cả!

Ắy vậy mà ở đời, nhiều người vẫn thích, vẫn ao ước đươọc làm cọp giấy - dù chỉ là cọp giấy thôi - bởi họ chả bao giờ đọc “Cổ Học Tinh Hoa”. Nếu có đọc thì cũng “Nghe qua rồi bỏ”!

Vậy mà, trong chính trường quốc tế, đã có thời Trung Cộng bảo Mỹ là “Cọp giấy” khi đôi bên tính so kè, biểu dương vũ lực mí nhau. Nhưng dẫu sao thì các sếnh sang cũng vẫn phải e dè, nem nép trước lực lượng nguyên tử hùng hậu của cọp Mỹ!

Nước Mỹ lại vừa xuất hiện một con “cọp gỗ” rất nởi danh về bộ môn đánh Golf: Đó là Tiger Woods! Cọp này đang điêu đứng vì lái xe đụng cây, vỡ lở chuyện có cả chục cô bồ, truyền hình, báo chí lôi ra hang ngày diễu cợt.

Tương lai của “Cọp gỗ” này có chiều xuống dốc không phanh!!!

CỌP TRONG GIA ĐÌNH?

Phải nói ngay là trong hầu hết các gia đình, nhà nào cũng có ít ra là một…con cọp. Khi chưa hiện nguyên hình thì cọp thu nhỏ lại – cùng họ hàng với mèo - chỉ là một con mèo bé nhỏ dịu hiền.

Mèo này không biết bắt chuột, đi bằng hai chân và có nhiều chiêu thức.

Khi là con mèo bé nhỏ thì nhí nhảnh biết nói tiếng “Anh yêu”, biết nũng nịu, biết yêu đương, biết mè nheo, biết giận hờn…

Con mèo này mang nhiều vóc dáng.

Khi mèo đội lốt cô gái ngây thơ thì rõ ra là một tiểu thư yểu điệu thanh tân. Tóc em phải là tóc huyền, mắt em y boong là mắt hồ thu, dáng thuyền soi nước, môi em chính cống mầu hoa đào, má em ửng hồng tươi thắm, cổ em cao có ngấn, tay em búp măng mười ngón thiên thần, giọng em quyến rũ mê ly, bước em đi sen nở tùm lum , dáng em đẹp tựa thiên nga, như hoa đào thắm… Bởi chính em là báu vật trần gian…

Khi em mết anh thì em nhỏ nhẹ, hiền hậu, em như con mèo ngái ngũ trên ngực anh, em như bông sen ngát thơm giữa hồ thanh tịnh, em như giấc mơ tuyệt đẹp, ô mê ly ru cuộc đời anh vào mộng…

Em là tất cả! Em là vô địch! Anh tôn thờ em suốt đời…Dứt khoát là như thế đó nha! Mô tả cách mấy cũng không bằng mấy câu thơ của vua Tự Đức.

Ngày xưa, vua Tự Đức yêu và tưởng nhớ người tình thắm thiết.Tình tứ như thế nào đã được ghi trong mấy câu thơ sau đây:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi…

Đập vỡ gương trong để mong tìm thấy bóng người xưa, gom xiêm áo cũ để vớt vát chút hương thừa ngày cũ! Thơ đến thế, tình đến thế là cùng!

Đấy là nói đến tình khi tình còn trong hương lửa. Đó là nói theo điệu văn chương, mô phỏng cái gì cũng “nâm bơ oăn” thì mới mê ly như thế được.

Còn như trong đời sống bình thường của chúng ta thì có nhiều chuyện phải rút tỉa kinh nghiệm, gọi là kinh nghiệm sống để lựa những bài học, những đáp số…

Bỏ qua những chuyện lẩm cẩm, cải lương khi mới quen nhau, tán nhau, chưa hiểu rõ cái tủ của nhau nên còn mơ mơ màng màng như đang ở trên mây.

Nên đã có danh ngôn cay đắng như thế ni:

“Tình yêu, từ xa là những hạt kim cương.
Đến gần, là những giọt nước mắt!!!”

Đến khi ván đã đóng tầu thì anh chồng mới bừng tỉnh mộng thiên đường mà nhận chân được rằng thực tế khác xa với mộng tưởng. Mộng tưởng ví như ta đi trên mây, còn thực tế là ta đang đi dưới đất!

Đã nói đến thực tế thì nó không còn mơ mộng, viển vông gì nữa cả. Cuộc đời trước mặt là nhũng bổn phận, chia sẻ, gánh vác để xây dựng một mái ấm gia đình.

Mái gia đình ấy êm ấm hay sóng gió ra sao cũng còn tùy thuộc vào cách cư xử của cả hai vợ chồng.

Nhưng nói cho gọn thì chúng ta có thể lấy dăm câu châm ngôn, mấy câu ví von, mấy lời dậy bảo mà tự sửa mình để tìm một hướng đi nào thích hợp nhất, khôn ngoan nhất, chắc ăn nhất hầu bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Một triết gia Phi Châu đầy kinh nghiệm gia đình đã phán:

“Muốn cho êm cửa, êm nhà
Phải làm theo đúng lệnh bà chỉ huy”

Nghĩa là vợ bảo sao, làm vậy, không được làm khác, không được làm nửa vời rồi nại cớ để phú lỉnh. Phải tuân hành “chăm phần chăm” mới đúng ý vợ, mới tránh khỏi đĩa bát bay vèo.

Tận bên Phi Châu mà còn có người phát ngôn sáng suốt như thế thì thử hỏi chúng ta ở xứ văn minh này lại thua kém họ hay sao?

Một nhà tâm lý bên Âu Châu thì nói:

“Muốn cho một cuộc hôn nhân có hạnh phúc thì đôi khi người vợ phải câm và thường khi người chồng phải điếc!”

Quý bạn để ý đến các chữ “đôi khi” và “thường khi” nhá! Hai tiếng đó khác nhau một trời một vực đó nha!

Hiểu được đã khó, mà áp dụng được lại càng khó hơn nữa!

Nhiều người liền ông vẫn bị mang tiếng là “sợ vợ”. Theo Cai tôi, đó mới chính là những bậc chân tu, chân truyền. vì đã theo triết thuyết:

“Nếu lấy được một người vợ dễ thương, bạn có một gia đình hanh phúc. Nếu lấy phải một bà vợ dữ dằn, bạn trở thành một nhà hiền triết!”

Đằng nào bạn cũng có cái lợi!

Có bạn hỏi Cai tôi “tề gia” như thế nào? Có bí quyết gì cho anh em được “thọ giáo” không?

Cai tôi cực chẳng đã mới phải lên tiếng rằng:

Chẳng dại gì mà tôi phải tề gia. Cứ theo đúng những nhời dậy bảo của triết gia ghi trên thì đời nào có chuyện lục đục, lủng củng trong gia đình!

Cái khó là mình có triệt để thi hành hay chỉ làm nửa vời thôi thì hỏng bét, lại còn tệ hại thêm chứ béo bở gì!

Nguyên tắc, triết lý cũng như tâm niệm hàng ngày của Cai tôi là :

Đối với những chuyện nhỏ, chuyện vặt, chuyện không đáng kể thì tôi tuyệt đối không cãi vợ.

Con vợ nó nói đúng hay sai, phải hay trái, có hay không…tôi đều không có ý kiến quyết định hay phản đối. Nghĩa là con vợ nó muốn sao thì tôi làm y boong như thế!

Khi đối phương ra đòn mà ta phản đòn, tất có va chạm, ắt có sứt mẻ hay thương tích. Nếu ta “hoá giải” bằng cách không để cho đối phương đánh trúng, không ai thương tích thì đôi bên đều an toàn.

Đàn bà là chúa hay nói dai, nói cả ngày chưa chán (???). Nếu người chồng nóng mặt, nóng mắt mà lời qua tiếng lại thì lập tức con vợ nó hiện nguyện hình thành con cọp khổng lồ, sơi tái ta lúc nào không biết!!!

Nếu ta khôn hồn không tranh cãi để tránh chiến tranh lạnh trong gia đình thì ta đã là một cao thủ võ lâm, không để cho địch tấn công toàn diện.

Muốn có được bản lĩnh như vậy, không phải là dễ. Phải tu tập, tu luyện, kiên trì trong nhiều năm mới lên tới trình độ thượng thừa! Chứ không phải vài ngày, vài tuần mà đưọc ngay đâu!

Cách tập có nhiều phưong pháp. Phạm vi bài này không đủ chỗ để trình bầy chi tiết.

Nhưng một cách tóm gọn, tương đối để áp dụng là:

Khi nào con vợ nó dở chứng, lên cơn thì lập tức ta coi vợ không phải là vợ nữa. Ta coi nó như một đứa con nít dở chứng hay một người điên trong thành phố. Với hai hạng người ấy, bạn có cư xử bình thường không, hay là bạn nhịn vì người đối diện không ngang hàng, không bằng vai phải vế với mình?

Trên võ đài, hai đấu thủ có đồng cân đồng lượng thì mới so găng để tranh tài cao thấp. Bạn có so găng với đứa con nít hay người điên không cà? Nếu nghĩ vậy mà xử trí cho đúng hoàn cành lúc ấy thì mọi chuyện sẽ từ từ chìm vào quên lãng!

Cai tôi hiếm khi nào cãi nhau với vợ vì cứ nhớ câu “Im lặng là vàng”.

Khi nào vợ la vợ hét là lập tức tôi trấn thủ bằng cách giữ tuyệt đối im lặng, lẳng lặng xuống “basement” coi như hầm trú ẩn, nằm nghe radio, nghe nhạc hoặc đánh một giấc Nam Kha.

Khi sóng gió đã qua, Cai tôi lại thản nhiên trở lại đời sống bình thường, coi như không có chuyện gì xẩy ra, như một chủ gia đình mẫu mực.

Đôi khi, con vợ nó nghĩ lại nó cũng thấy là nó lớn lối, láo lếu, nói năng tầm bậy. Nên nó ỏn ẻn, cười tình xin lỗi phu quân.

Cai tôi vốn coi mấy cái trò con nít ấy là đồ bỏ nên cũng vui vẻ bỏ qua. Nên chỉ cười cười: “Chuyện nhỏ mà em!”

Thế là – nói theo nhà thể thao Huyền Vũ - : Sóng gió vừa diễn ra trên phần đất của Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên tỉ số đôi bên vẫn còn…trinh bạch!!!

Đời sống trở lại bình thường.

Kết luận thế này: Thắng lợi về ta!

Rốt cuộc, con cọp cái lại thu hình móng vuốt để trờ thành con mèo ngái ngủ…

“Nghệ thuật” là ở như chỗ đó!

Nhưng áp dụng cho đúng lúc, đúng mức, đúng điệu, đúng thế, đúng theo nghi thức chân truyền thì thực khó lắm thay!!!

Vì ít ai chịu bỏ sức, kiên nhẫn, ép mình để dầy công tu luyện…

Bạn đọc có thể vưỡn còn théc méc, hỏi rằng: Thế con cọp nó có sợ ai không?

- Dạ, nó chẳng sợ ai sốt cả. Nhưng trong loài cọp mí nhau thì con cọp đực lại sợ …Con cọp Cái!

01/2010






















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com